Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi
1. Đại cương:
Ung thư phổi là tình trạng xuất hiện khối u ở thành hoặc lớp biểu mô phế quản. Phổi cũng thường là vị trí của ung thư di căn từ nơi khác đến qua hệ thống tuần hoàn TM hoặc dẫn truyền bạch mạch. Ung thư phổi là bệnh rất thường gặp, đứng thứ 3 trong các bệnh phổi mạn tính và đứng thứ 5 trong các ung thư phủ tạng.
Theo hình thái tế bào học, Tổ chức Y tế Thế giới đã chia ung thư phổi thành 4 loại:
– Ung thư tế bào biểu bì (hay ung thư tế bào vẩy) là loại hay gặp nhất.
– Ung thư tế bào tuyến.
– Ung thư tế bào nhỏ.
– Ung thư tế bào to.
2. Các yếu tố nguy cơ:
2.1. Thuốc lá:
Ung thư phổi thường gặp ở người nghiện thuốc lá, người nghiện thuốc lá có nguy cơ ung thư phổi gấp 10 lần so với người không hút thuốc lá. Thời gian hút càng nhiều, số lượng hút càng nhiều thì tỷ lệ mắc ung thư phổi càng cao. Ung thư biểu bì liên quan tới hút thuốc nhiều nhất. Ung thư tế bào tuyến không liên quan tới hút thuốc. Người ta thấy rằng trong khói thuốc lá có những chất có khả năng gây ung thư đó là các hydrocacbua thơm đa vòng như: 3 – 4 Benzopyrin và Selenium trong giấy cuộn thuốc lá.
2.2. Khí quyển bị ô nhiễm:
Do hơi đốt từ gia đình, xí nghiệp, hơi xả ra từ các động cơ cũng là yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi. ở các nước công nghiệp phát triển ung thư phổi gặp nhiều hơn.
2.3. Nghề nghiệp:
Cũng là yếu tố nguy cơ của ung thư phổi. Những công nhân làm ở mỏ phóng xạ (Uranium), công nhân tiếp xúc với nhiều hóa chất như: Arsenic, Nickel carbonyl, Cromate, sắt, than, nhựa, khí đốt… cũng có tỷ lệ ung thư cao.
2.4. Các yếu tố khác:
– Di truyền: Chưa được chứng minh.
– Virut: Các nhà bác học mới chỉ chứng minh được virut gây ung thư ở súc vật thực nghiệm mà thôi.
– Tuổi và giới: Nam bị ung thư nhiều hơn so với nữ. Tuổi thường gặp là 40-60 tuổi.
– Địa dư: Các nước công nghiệp phát triển, tỷ lệ ung thư ở thành phố cao hơn ở nông thôn.
– Các bệnh ở phế quản phổi:
+ Sẹo cũ di tích của ngoại vật ở phổi, sẹo của nhồi máu phổi.
+ Viêm nhiễm mạn tính: Như lao phổi, người ta cho rằng lao phổi làm giảm miễn dịch. Có tác giả cho rằng, một số thuốc chống lao về thực nghiệm có thể gây ung thư nhưng trên người thì chưa được chứng minh.
3. Triệu chứng:
3.1. Lâm sàng:
Triệu chứng lâm sàng thường xuất hiện phụ thuộc vào kích thước, vị trí của khối u, độ bít tắc phế quản, sự xâm lấn di căn.
Triệu chứng thường gặp là:
– Ho do kích thích phế quản, ho khan hoặc ho có đờm, dùng thuốc điều trị không đỡ, ho keo dài.
– Ho ra máu: Gặp triệu chứng này khoảng 50% các trường hợp, ho ra máu rất ít lẫn với đờm, thường ho về buổi sáng.
– Nhiễm khuẩn tái phát đường hô hấp: Có thể biểu hiện như một viêm phổi, nghĩ đến ung thư phổi khi bệnh nhân hết sốt, không khạc đờm mủ, hình ảnh X quang còn tồn tại lâu trên 1 tháng.
– Đau ngực: Không có điểm đau rõ rệt, thường đau bên tổn thưong. Đau ngực thường là dấu hiệu muộn do khối u xâm lấn vào màng phổi, thành ngực, trung thất. Có khi đau quanh bả vai, mặt trong cánh tay (H/chứng Pancoart- Tobias). có khi đau kiểu đau thần kinh liên sườn, nên thầy thuốc có khi nhầm với viêm quanh khớp vai, đau dây thần kinh liên sườn.
– Khó thở: ít gặp, thường do tắc phế quản gây xẹp phổi. Có khi khó thở do liệt cơ hoành hoặc do khối u di căn vào màng phổi gây tràn dịch màng phổi.
– Các triệu chứng khác: Khàn tiếng, khó nuốt, phù mặt – cổ, tràn dịch màng phổi đều là các dấu hiệu muộn của bệnh.
– Ngón tay dùi trống, sưng đau các khớp (H/chứng Pierre-Marie).
– Triệu chứng toàn thân: Mệt mỏi, sút cân, chán ăn, thiếu máu xuất hiện muộn.
– Các vị trí ung thư thường di căn tới: Hạch, xương, não, phổi bên đối diện, tuyến thượng thận.
3.2. Các triệu chứng cận lâm sàng:
– Chụp X quang phổi: Chụp thẳng, nghiêng, cắt lớp có thể phát hiện được tổn thương, chụp phế quản sau bơm thuốc cản quang.
– Xét nghiệm đờm tìm tế bào ung thư.
– Soi phế quản để xác định vị trí của khối u, nếu thấy khối u làm sinh thiết để xét nghiệm tế bào, nếu không thấy khối u thì hút dịch phế quản để xét nghiệm tế bào.
– Sinh thiết hạch, sinh thiết phổi qua thành ngực.
– Thăm dò chức năng hô hấp: Nếu chỉ số Tiffeneau < 50%, không có chỉ định phẫu thuật.
4. Điều trị:
Mục tiêu điều trị là kéo dài tối đa đời sống của bệnh nhân và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Chỉ định điều trị phụ thuộc vào loại ung thư, giai đoạn và trạng thái sinh lý của tim phổi, tình trạng toàn thân.
Các phương pháp điều trị có thể áp dụng bao gồm:
– Phẫu thuật: Cắt đoạn phổi, thường áp dụng khi khối u chưa có di căn, chức năng tim phổi bình thường.
– Tia xạ: Dùng để điều trị cho các trường hợp ung thư tế bào nhỏ, ung thư biểu bì không thể phẫu thuật được. Tia xạ có thể làm giảm các triệu chứng ho, đau ngực, khó thở, chảy máu trong một thời gian. Điều trị bằng tia xạ chỉ là tạm thời, không có tính triệt để. Điều trị tia xạ thường có hại cho các mô lành xung quanh. Biến chứng của tia xạ gồm: Viêm thực quản, viêm phổi, xơ phổi. Khi điều trị bằng tia xạ điều dưỡng phải theo dõi các triệu chứng nhiễm khuẩn, thiếu máu.
– Hóa trị liệu: Có tác dụng kéo dài thời gian sống đối với ung thư tế bào nhỏ. Còn để điều trị các khối u có di căn, có thể kết hợp với điều trị phẫu thuật và tia xạ.
+ Cần phối hợp 3 thứ thuốc chống ung thư trở lên.
+ Các hoá chất thường điều trị: Endoxan, Methotrexate, Vincristin…vv. Hoá trị liệu có thể tạm thời làm giảm các triệu chứng đặc biệt là đau. Khi dùng hoá trị liệu điều dưỡng phải theo dõi là: Số lượng bạch cầu, số lượng hồng cầu, số lượng tiểu cầu, rụng tóc, chán ăn, giảm tế bào máu.
– Điều trị bằng phương pháp miễn dịch: Dùng BCG, lấy 2ml hỗn dịch BCG rạch da và bôi lên da, rạch 10 rạch (diện tích 5 cm), mỗi tuần làm một lần.
– Điều trị triệu chứng: Dùng thuốc giảm đau, an thần, kháng sinh chống nhiễm khuẩn.
5. Chăm sóc:
5.1. Nhận định:
* Hỏi bệnh:
– Tiền sử bệnh nhân có hút thuốc không? Hút bao nhiêu năm? Mỗi ngày hút khoảng bao nhiêu điếu?
– Hỏi nghề nghiệp? địa điểm sinh sống và môi trường sống?
– Tiền sử gia đình có ai mắc bệnh ung thư không?
– Tình trạng bệnh: Bệnh khởi phát như thế nào? Thời gian bao nhiêu? hỏi các triệu chứng?
+ Ho từ bao giờ? Ho khan hay ho có đờm? Ho có lẫn máu không? Máu màu gì? số lượng máu?
+ Đau ngực: Vị trí, tính chất đau, mức độ đau?
+ Khó thở: Mức độ khó thở, tính chất khỏ thở?
+ Các triệu chứng khác: Đau khớp, nuốt khó, nói khó, chán ăn, có gầy sút nhanh không, có sốt không?
* Khám thực thể:
– Toàn thân: Thể trạng chung? Cân nặng? Tìm dấu hiệu nhiễm khuẩn (xem lưỡi có bẩn không? thân nhiệt?), khám phù, đầu ngón tay, hạch ngoại biên có to không? (chú ý hạch thượng đòn, hạch hố nách).
– Hô hấp: Hình thể lồng ngực? Cơ hô hấp có co kéo không? Đếm tần số thở? Xem số lượng, màu sắc đờm?
– Tuần hoàn: Đếm mạch, đo HA, tiếng tim?
– Tinh thần: Xem bệnh nhân có chán nản, bi quan, lo lắng không?
– Tham khảo các kết quả xét nghiệm.
5.2. Chẩn đoán chăm sóc: Có thể là:
– Đau do khối u xâm lấn vào màng phổi, thành ngực hay trung thất. Có thể đau do thủ thuật.
– Khó thở do khối u làm tắc phế quản và do tăng tiết dịch phế quản hoặc do tràn dịch màng phổi.
– Suy dinh dưỡng do tăng chuyển hoá, chán ăn.
– Lo lắng, chán nản, bi quan do cái chết đe dọa.
– Có nguy cơ nhiễm khuẩn đường hô hấp do tắc nghẽn, do khối u và dịch phế quản và do giảm sức đề kháng của cơ thể.
5.3. Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi:
– Làm giảm đau cho bệnh nhân.
– Làm giảm khó thở cho bệnh nhân.
– Cải thiện tình trạng dinh dưỡng.
– Chăm sóc về tinh thần.
– Làm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn đường hô hấp.
5.4. Thực hiện kế hoạch chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi:
* Giảm đau cho bệnh nhân:
– Cho bệnh nhân nghỉ ngơi thoải mái.
– Tăng cường giấc ngủ cho bệnh nhân.
– Hỗ trợ bệnh nhân khi làm các thủ thuật.
– Thực hiện y lệnh:Thuốc giảm đau, an thần, thuốc điều trị khối u.(chú ý theo dõi tác dụng phụ của thuốc)
* Giảm khó thở cho bệnh nhân:
– Cho bệnh nhân nằm đầu cao (tư thế Fowler).
– Làm sạch dịch ứ đọng ở phế quản bằng cách dẫn lưu tư thế kết hợp với vỗ rung lồng ngực, khuyến khích bệnh nhân uống nhiều nước. Thực hiện thuốc long đờm, kháng sinh theo y lệnh của thầy thuốc. Làm sạch dịch ứ đọng ở phế quản còn có tác dụng chống nhiễm khuẩn đường hô hấp.
– Hướng dẫn bệnh nhân tập thở sâu để tăng cường sự giãn nở cơ hoành giúp bệnh nhân thở dễ dàng.
– Nếu khó thở do tràn dịch màng phổi phải báo cho thầy thuốc và chuẩn bị dụng cụ phụ giúp thầy thuốc chọc tháo dịch.
* Cải thiện về dinh dưỡng cho bệnh nhân:
– Giải thích cho người nhà và bệnh nhân hiểu biết tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với diễn biến bệnh.
– Cho bệnh nhân ăn đủ calo, tăng đạm, cho bệnh nhân ăn từng bữa nhỏ, nhiều bữa trong ngày, thức ăn có lượng đạm cao như: sữa, trứng, thịt, tôm, cá…vv. Phải thay đổi món ăn để phù hợp với khẩu vị của bệnh nhân.
– Nếu bệnh nhân không ăn được phải cho bệnh nhân ăn bằng sonde và truyền dịch nuôi dưỡng.
– Theo dõi xem bệnh nhân có ăn hết khẩu phần không? Theo dõi cân nặng.
* Chăm sóc về tinh thần:
– Thường xuyên gần gũi động viên, an ủi bệnh nhân.
– Lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của họ để đáp ứng.
– Hạn chế yếu tố Stress.
– Theo dõi những diễn biến về tinh thần, tình cảm để kịp thời chăm sóc.
* Giảm nguy cơ nhiễm khuẫn đường hô hấp:
– Làm sạch đường thở và dùng kháng sinh theo y lệnh để chống nhiễm khuẩn.
– Theo dõi nhiệt độ, số lượng màu sắc đờm, công thức bạch cầu, tần số thở, mạch, HA.
5.5. Đánh giá kết quả kế hoạch chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi:
Kết quả mong muốn là:
– Bệnh nhân đỡ ho, đỡ khó thở, đỡ đau.
– Bệnh nhân không sút cân nhiều.
– Bệnh nhân không bị nhiễm khuẩn.
– Bệnh nhân yên tâm, đỡ lo lắng, không bi quan, chán nản.
– Ngủ, nghỉ thoải mái (ngủ được từ 6 giờ trở lên trong ngày).
#BLUECARE_PARTER-ỨNG DỤNG NHẬN LỊCH #CHĂM_SÓC_BỆNH_NHÂN_tại_nhà dành cho #ĐIỀU_DƯỠNG_VIÊN
Các bài xem thêm:
Trả lời