Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân đau thắt ngực
1. Định nghĩa:
Đau thắt ngực là một hội chứng lâm sàng đặc trưng bởi cơn đau kịch phát hoặc cảm giác đè nén khó chịu trong lồng ngực. Bản chất của cơn đau là do thiếu máu cung cấp cho động mạch vành, làm thiếu hụt oxy cung cấp cho cơ tim.
2. Nguyên nhân:
2.1. Bệnh động mạch vành:
– Vữa xơ động mạch vành gây hẹp lòng mạch là nguyên nhân hay gặp nhất.
– Các bệnh khác của động mạch vành ít gặp hơn như : Viêm động mạch vành do giang mai, dị dạng bẩm sinh động mạch vành, co thắt động mạch vành.
2.2. Một số bệnh khác:
– Bệnh van động mạch chủ: Hở van động mạch chủ, hẹp van động mạch chủ, hẹp động mạch chủ, hẹp dưới van động mạch chủ.
– Bệnh van hai lá: Hở van hai lá, sa van hai lá.
– Bệnh cơ tim phì đại.
– Thiếu máu cung cấp động mạch vành do các nguyên nhân khác: Nhịp tim quá nhanh hoặc quá chậm, tình trạng sốc, thiếu máu…
3. Triệu chứng:
3.1. Cơn đau điển hình:
– Thường xuất hiện sau một gắng sức.
– Đau một vùng trước ngực trái hoặc sau xương ức.
– Đau lan ra vai, cánh tay, mặt trong cẳng tay và ngón 4 – 5 của bàn tay bên trái, đôi khi lan lên cổ và hàm trái.
– Thời gian một cơn đau chỉ kéo dài vài giây đến vài phút (thường dưới 3 phút). Nếu cơn đau kéo dài ( > 15 phút ) phải nghĩ đến nhồi máu cơ tim.
– Cơn đau giảm hoặc mất trong vòng vài phút sau khi ngậm 1 viên Nitroglycerin dưới lưỡi.
3.2. Cơn đau không điển hình:
– Đau xảy ra cả khi nghỉ ngơi thậm chí cả lúc ngủ.
– Vị trí đau khác thường có thể ở vùng thượng vị hoặc ngực phải.
– Thời gian cơn đau thường kéo dài và xuất hiện liên tiếp.
– Có trường hợp bệnh nhân không đau mà chỉ cảm thấy nghẹt thở; nặng ngực hoặc khó thở.
4. Điều trị:
4.1. Điều trị nội khoa:
– Điều trị trong cơn đau:
Cho người bệnh ngậm dưới lưỡi một trong ba loại thuốc sau sẽ có tác dụng cắt cơn nhanh chóng:
+ Nitroglycerin viên 0,5 mg
+ Isosorbit Dinitrat viên 2,5 mg; 5 mg
+ Adalat (gel) viên nang 10 mg.
– Điều trị ngoài cơn đau:
+ Loại bỏ yếu tố khởi phát cơn đau như: Gắng sức, xúc cảm, lạnh đột ngột, bữa ăn thịnh soạn…
+ Điều trị căn nguyên như: Điều trị vữa xơ động mạch…
+ Điều chỉnh lối sống (loại bỏ yếu tố nguy cơ): Luyện tập hợp lý, không hút thuốc, không uống rượu, kiềm chế trọng lượng….
+ Dùng một trong các thuốc ngừa cơn:
. Isosorbid Dinitrat (chậm) viên 20 – 40 mg uống.
. Chẹn Bêta giao cảm: Propranolon viên 40 mg uống.
. Chẹn canxi: Nifedipin Retard 20 mg viên uống.
4.2. Điều trị ngoại khoa:
Được chỉ định khi điều trị nội khoa không kết quả bằng:
– Nong động mạch vành.
– Phẫu thuật bắc cầu nối chủ – vành.
5. Chăm sóc:
5.1 Nhận định chăm sóc:
Tập chung vào 2 vấn đề chính
– Hỏi chi tiết và ghi lại đầy đủ tính chất, đặc điểm của cơn đau gồm:
+ Xuất hiện khi nào (sau gắng sức, xúc cảm, lạnh đột ngột…) ?
+ Kéo dài bao lâu (giây, phút, giờ) ?
+ Tính chất và vị trí đau (đau vùng nào, có lan không, hướng lan) ?
+ Ngậm Nitroglycerin có đỡ không ? Bao lâu thì đỡ ?
+ Cơn đau có tái diễn không ?
– Hỏi và thăm khám để phát hiện các triệu chứng và các biến chứng kèm theo:
+ Lo sợ, vã mồ hôi, buồn nôn, khó thở khi đau?
+ Có tiền sử tăng HA? (chỉ số HA là bao nhiêu, có điều trị không, điêù trị bằng thuốc gì…)
+ Có vữa xơ động mạch không? (khám mạch máu).
+ Có suy tim không ?
+ Có lần nào bị nhồi máu cơ tim ?
+ Thực hiện các xét nghiệm:
. Điện tâm đồ
. Nghiệm pháp gắng sức
. XN máu: Cholesterol, Glucose…
5.2. Chẩn đoán chăm sóc:
Dựa trên các dữ kiện đã thu thập được sau khi hỏi và thăm khám người bệnh, các chẩn đoán điều dưỡng chính của bệnh nhân đau thắt ngực có thể gồm:
– Đau ngực do mất cân bằng cung – cầu oxy cơ tim.
– Lo lắng do thay đổi tình trạng sức khoẻ.
– Người bệnh không biết cách ngăn ngừa cơn đau và đối phó với cơn đau do thiếu kiến thức về bệnh.
– Nguy cơ không tôn trọng triệt để chế độ điều trị do không biết thay đổi lối sống cho phù hợp với bệnh.
5.3. Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân đau thắt ngực:
– Làm mất cơn đau ngực.
– Giảm lo lắng cho người bệnh.
– Giúp người bệnh biết cách ngăn ngừa cơn đau.
– Hướng dẫn người bệnh cách đối phó với cơn đau khi nó xẩy ra.
– Người bệnh biết thay đổi lối sống phù hợp với bệnh.
5.4. Thực hiện kế hoạch chăm sóc bệnh nhân đau thắt ngực:
* Nhanh chóng làm mất cơn đau ngực:
– Ngay lập tức có mặt bên người bệnh để người bệnh yên lòng góp phần làm giảm cơn đau.
– Để người bệnh nằm nghỉ nhằm làm giảm tiêu thụ oxy cơ tim góp phần làm giảm cơn đau.
– Yêu cầu người bệnh há miệng, đặt ngay một viên Nitroglycerin hay Adalat theo y lệnh vào dưới lưỡi người bệnh và dặn người bệnh không được nuốt nước bọt cho đến khi tan hết viên thuốc.
– Ngồi lại với người bệnh để:
+ Theo dõi HA vì các thuốc cắt cơn đau có thể gây hạ HA.
+ Nói cho người bệnh biết tác dụng phụ của thuốc có thể xuất hiện sau khi ngậm thuốc để người bệnh yên tâm.
+ Theo dõi cơn đau xem sau khi ngậm thuốc bao lâu thì cơn đau mất. Nếu cơn đau không mất hoặc mất rồi lại xuất hiện thì phải báo ngay cho thầy thuốc.
* Làm giảm lo lắng cho người bệnh:
– Có mặt bên người bệnh càng nhiều càng tốt đặc biệt trong lúc có cơn đau.
– Cung cấp một số thông tin về bệnh, giải thích cho người bệnh an tâm.
– Nếu thầy thuốc cho thuốc an thần thì thực hiện cho người bệnh.
* Hướng dẫn người bệnh cách ngừa cơn đau:
– Phát hiện các yếu tố làm khởi phát cơn đau để loại bỏ.
– Loại bỏ hoặc hạn chế tất cả các yếu tố nguy cơ như:
+ Kiềm chế trọng lượng không để thừa cân.
+ Bỏ thuốc lá.
+ Điều trị tăng HA nếu có.
+Tránh các sang chấn tâm lý.
– Thường xuyên uống thuốc ngừa cơn theo đơn của thầy thuốc.
* Hướng dẫn người bệnh đối phó với cơn đau khi nó xảy ra:
– Dặn người bệnh luôn mang theo Nitroglycerin và ngậm ngay 1 viên dưới lưỡi khi có cơn đau (chú ý hướng dẫn cách bảo quản thuốc).
– Dặn người bệnh nếu sau ngậm thuốc 5 phút mà cơn đau không mất hoặc mất nhưng lại xuất hiện ngay thì phải đến gặp thầy thuốc.
* Thuyết phục người bệnh thay đổi lối sống cho phù hợp:
– Tránh mọi hoạt động gắng sức hoặc những hoạt động gây đau ngực.
(có thể tham gia các hoạt động thể dục thể thao nhưng không được gắng sức và đột ngột)
– Ngủ đầy đủ. Tránh lạnh đột ngột. Tránh các sang chấn tâm lý.
– Không ăn quá no, không ăn bữa lớn, ăn nhạt vừa phải, ăn bữa nhỏ, chậm rãi.
Tránh các thức ăn có nhiều Cholesterol. Không uống quá nhiều các loại đồ uống có cafein.
– Bỏ thuốc lá và loại bỏ tất cả các yếu tố nguy cơ khác nếu có.
5.5. Đánh giá kế hoạch chăm sóc bệnh nhân đau thắt ngực:
Những kết quả mong muốn ở người bệnh là:
– Hết đau ngực, hết lo lắng.
– Biết cách ngăn ngừa cơn đau.
– Biết cách đối phó với cơn đau khi nó xẩy ra.
– Biết thay đổi lối sống cho phù hợp với bệnh.
#BLUECARE_PARTER-ỨNG DỤNG NHẬN LỊCH #CHĂM_SÓC_BỆNH_NHÂN_tại_nhà dành cho #ĐIỀU_DƯỠNG_VIÊN
Các bài xem thêm:
Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tim phổi mạn
Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân áp xe phổi
Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân thấp tim
Kế hoạch chăm sóc người bệnh viêm cầu thận
Kế hoạch chăm sóc người bệnh sau mổ
Kế hoạch chăm sóc người bệnh mổ dạ dày
Trả lời