Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tim phổi mạn
1. Định nghĩa:
Bệnh tim phổi mạn là tình trạng phì đại thất phải thứ phát do tăng áp động mạch phổi gây nên bởi những bệnh làm tổn thương chức năng hoặc cấu trúc của phổi (trừ những trường hợp tăng áp lực động mạch phổi do các bệnh tim mắc phải hay bẩm sinh).
2. Nguyên nhân:
– Hay gặp nhất là các bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
– Ngoài ra có thể do: Lao phổi lan toả, bệnh bụi phổi, gù vẹo cột sống, dầy dính màng phổi, tăng áp động mạch phổi tiên phát.
3. Cơ chế bệnh sinh:
Các bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính theo thời gian sẽ gây tăng áp lực động mạch phổi và cuối cùng gây nên suy tim phải và phì đại thất phải.
* Cơ chế tăng áp động mạch phổi:
– Các bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gây rối loạn thông khí, rối loạn khuyếch tán khí. Hậu quả làm giảm oxy máu mao mạch phổi. Sự giảm oxy này gây phản xạ co mạch máu phổi, gây tăng áp động mạch phổi.
– Do phản xạ phế nang mao mạch, rối loạn thông khí phế nang làm giảm oxy trong lòng phế nang gây nên phản xạ ngừng chảy máu qua mao mạch phế nang (máu rẽ tắt sang tĩnh mạch phổi). Nếu phản xạ này xảy ra trên một phạm vi rộng sẽ gây tăng áp động mạch phổi.
– Tổn thương giải phẫu mạch phổi: Các bệnh phổi tắc nghẽn lâu ngày sẽ dẫn đến tổn thương mạch máu phổi, xơ hóa thành mạch, thưa các mạch phổi, phì đại cơ trơn thành mạch.
4. Triệu chứng lâm sàng:
– Các triệu chứng của bệnh phổi dẫn tới suy tim phải, thường gặp nhất là các triệu chứng của các bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
– Khó thở do suy thất phải: Khó thở khi gắng sức hoặc khó thở liên tục. Khó thở nhanh, nông, khó thở cả 2 thì (do ứ trệ hệ thống tĩnh mạch phế quản).
– Các triệu chứng của ứ trệ máu ngoại biên do suy thất phải:
+ Gan to và đau, mật độ gan hơi chắc, bề mặt nhẵn. Nếu có hở van 3 lá kèm theo (hở cơ năng do giãn buồng thất phải) thì sờ thấy gan đập theo nhịp tim.
+ Tĩnh mạch cổ nổi, phản hồi gan – tĩnh mạch cổ dương tính.
+ Phù ở chân, phù mềm ấn lõm, sau đó phù toàn thân, có thể có cổ trướng.
+ Xanh tím do ứ trệ máu ngoại biên và tốc độ tuần hoàn chậm lại làm tăng lượng Hemoglobin khử.
+ áp lực tĩnh mạch tăng.
+ Mắt lồi đỏ (do tăng mạch máu màng tiếp hợp) trông giống như mắt ếch.
+ Ngón tay dùi trống.
– Các triệu chứng ở tim: (do tim phải to, giãn buồng tim phải)
+ Tim đập rõ ở mũi ức (dấu hiệu Hatzer).
+ T2 vang mạnh và tách đôi ở ổ van động mạch phổi.
+ Thổi tâm thu ở ổ van 3 lá do hở van 3 lá cơ năng.
+ Một số trường hợp có tiếng ngựa phi phải (do tim phải giãn nhẽo) có thể có loạn nhịp hoàn toàn.
5. Điều trị:
Mục tiêu điều trị bệnh tim phổi mạn là cải thiện thông khí và điều trị cùng một lúc cả bệnh phổi lẫn các triệu chứng suy tim.
Với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đường thở phải được thông thoáng để cải thiện trao đổi khí. Khi vận chuyển oxy được cải thiện sẽ không gây tăng áp lực động mạch phổi, do đó các triệu chứng của bệnh sẽ giảm đi.
5.1. Điều trị bệnh phổi:
– Cho bệnh nhân thở oxy sẽ làm giảm được áp lực và sức cản phổi. Nên cho thở oxy ngắt quãng, áp lực thấp. Đánh giá khí máu là cần thiết để xác định sự thỏa đáng của thông khí phế nang và theo dõi hiệu quả của thở ôxy.
– Các biện pháp hỗ trợ bao gồm:
+ Làm sạch đường thở.
+ Dùng thuốc giãn phế quản.
+ Liệu pháp dẫn lưu tư thế (vỗ, rung lồng ngực).
– Nếu bệnh nhân có suy thở có thể đặt ống nội khí quản và cho thở máy.
– Thực hiện kháng sinh theo y lệnh đặc biệt là trong những đợt cấp của bệnh.
5.2. Điều trị triệu chứng suy tim phải:
– Cải thiện tình trạng giảm O2 và tăng CO2 máu bằng:
( Các biện pháp đã nêu ở trên )
– Giảm ứ trệ tuần hoàn ngoại biên bằng:
+ Chế độ nghỉ ngơi và ăn nhạt.
+ Dùng thuốc lợi tiểu để giảm gánh nặng trước tim và giảm phù.( Lợi tiểu nhóm Acetazolamid có tác dụng tốt trong trường hợp này)
– Trợ tim:
+ Có thể cho Digital nếu bệnh nhân có thêm cả suy thất trái, có loạn nhịp hoàn toàn hoặc chỉ có suy thất phải nhưng không đáp ứng với biện pháp điều trị giảm áp động mạch phổi.
(Khi cho Digital phải rất thận trọng vì bệnh tim phổi mạn thường tăng tính dễ bị ngộ độc Digital)
+ Có thể sử dụng thêm các thuốc giãn mạch ngoại biên để làm giảm gánh nặng sau và trước cho tim.
– Cần theo dõi điện tâm đồ vì bệnh nhân thường có loạn nhịp tim.
– Nhiễm trùng đường thở cần được điều trị đúng và kịp thời vì chúng là nguyên nhân gây nên đợt cấp của bệnh tim phổi mạn.
6. Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tim phổi mạn:
– Chăm sóc người bệnh tim phổi mạn bao gồm: Chăm sóc suy tim và chăm sóc bệnh phổi gây ra tim phổi mạn, chủ yếu là các bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. (Tham khảo 2 bài chăm sóc bệnh nhân suy tim và chăm sóc bệnh nhân bệnh phổi mạn).
– Giáo dục người bệnh chăm sóc sức khỏe tại nhà:
Vì bệnh tim phổi mạn liên quan đến điều trị nguyên nhân chính là bệnh phổi mạn, thường là 1 quá trình kéo dài, cho nên hầu như các trường hợp đều được theo dõi tại nhà. Cần hướng dẫn cho người bệnh các biện pháp sau:
+ Hướng dẫn cách phòng tránh những yếu tố kích thích đường thở như thuốc lá, khói, bụi (không hút thuốc, đeo khẩu trang).
+ Khuyên người bệnh thay đổi thói quen ăn uống, cần ăn nhạt, hạn chế nước uống khi có phù.
+ Hướng dẫn các biện pháp làm sạch đường thở như dẫn lưu tư thế, tập thở sâu thường xuyên.
+ Hướng dẫn nguời bệnh sử dụng thuốc lợi tiểu khi cần thiết.
+ Nếu phải thở ôxy tại nhà cần hướng dẫn cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân biết cách tiến hành và áp dụng
Tất cả những việc làm trên là rất thiết thực cho người bệnh tim phổi mạn thực hiện tự chăm sóc tại nhà.
#BLUECARE_PARTER-ỨNG DỤNG NHẬN LỊCH #CHĂM_SÓC_BỆNH_NHÂN_tại_nhà dành cho #ĐIỀU_DƯỠNG_VIÊN
Các bài xem thêm:
Trả lời