BỆNH HỌC
KHÁI NIỆM
Trật khớp là một tổn thương trầm trọng của cấu trúc dây chằng chung quanh ổ khớp. Hậu quả là hai đầu xương tách hẳn ra khỏi ổ khớp. Bán trật khớp là di lệch một phần hay không hoàn toàn của các mặt khớp với nhau. Cả hai trật khớp và bán trật khớp đều có biểu hiện lâm sàng giống nhau, điều trị giống nhau nhưng bán trật khớp tổn thương nhẹ nhàng hơn và thời gian lành ngắn hơn.
Trật khớp gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng nhiều nhất ở người trẻ. Tổn thương cơ bản của trật khớp là tổn thương của dây chằng và bao khớp. Chẩn đoán dễ nhưng điều trị những trật khớp đến muộn thường khó khăn hơn.
PHÂN LOẠI TRẬT KHỚP
Theo giải phẫu
Mức độ di lệch trật khớp hoàn toàn, bán trật, gãy trật.
Theo thời gian
Trật khớp cấp cứu ít hơn 48 giờ, lớn hơn 48 giờ sau tai nạn. Trật khớp đến sớm (ít hơn 3 tuần) sau tai nạn.
Trật khớp cũ (nhiều hơn 3 tuần) sau tai nạn.
Theo lâm sàng
Trật khớp kín, trật khớp hở (vết thương khớp), trật khớp khoá (kẹt), trật khớp kín có biến chứng thần kinh.
Theo mức độ tái phát
Trật khớp lần đầu, trật khớp tái diễn, trật khớp thường trực.
Theo vị trí
Xác định bằng vị trí trật của chỏm hoặc thành phần xa của khớp. Trật khớp vai: là trật khớp giữa xương cánh tay và xương bả vai.
Trật khớp khuỷu: giữa đầu dưới xương cánh tay và đầu trên 2 xương cẳng tay. Trật khớp háng: thường do chấn động mạnh.
Trật khớp ra trước, trật khớp ra sau, trật khớp ra ngoài, trật khớp vào trong, trật khớp lên trên, trật khớp xuống dưới.
TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG
Luôn dựa vào bệnh sử: cơ chế ngã, thường là chấn thương trực tiếp và ở người trẻ.
Triệu chứng lâm sàng: sưng, đau, mất cơ năng, ngoài ra còn có 3 dấu hiệu của trật khớp:
Biến dạng tuỳ vào vị trí trật mà có dạng đặc biệt.
Dấu ổ khớp rỗng.
Dấu lò xo: làm động tác thụ động ngược chiều biến dạng khi buông tay chi biến dạng trở về vị trí biến dạng.
PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ
Các trật khớp đến sớm có thể điều trị bảo tồn được như:
Nắn khớp: trở lại vị trí ban đầu càng sớm càng tốt và luôn luôn thực hiện thuốc giảm đau khi nắn.
Bất động: dựa vào hai yếu tố thời gian lành bao khớp, xương gãy và sự phục hồi chức năng của bao khớp.
Tập vận động.
Phẫu thuật: chỉ định thường dè dặt.
BIẾN CHỨNG
Đơ khớp, viêm cơ cốt hóa, lỏng khớp, cứng khớp, trật khớp tái diễn.
CÁC TRẬT KHỚP THƯỜNG GẶP
Trật khớp háng
Khớp háng là ổ khớp lớn nằm sâu trong cơ thể có cơ che phủ dày, cho nên để trật khớp háng phải chịu lực rất mạnh mà nguyên nhân thường do tai nạn giao thông hay ngã từ trên cao xuống.
Triệu chứng lâm sàng
Biến dạng: đùi khép và xoay vào trong, khớp háng gập nhẹ, chân ngắn. Tam giác Bryant không còn vuông cân.
Dấu lo xo: đùi người bệnh đang khép, kéo đùi dang ra thì bật khép trở lại ngay.
Ổ khớp rỗng: ấn trước bẹn không sờ thấy khối cứng của chỏm và cổ xương đùi.
Điều trị
Phương pháp nắn khớp thường dùng của Bohler hay Kocher.
Bất động: thường ổ khớp háng rất sâu nên rất khó trật lại sau khi nắn, nên người bệnh không cần bất động lâu. Vì thế trong khi chờ người bệnh tỉnh lại thì chỉ cần cột hai chi vào nhau tránh để người bệnh kích thích có thể làm khớp trật lại. Tập vận động nhẹ nhàng, sau đó 6 tuần mới đi chống chân đau.
Trật khớp vai
Là trật khớp giữa chỏm xương cánh tay và xương bả vai.
Nguyên nhân
Thường do chống tay hay khuỷu tay trong tư thế đưa ra sau và ra ngoài.
Triệu chứng lâm sàng
Biến dạng: cánh tay dạng và xoay ngoài, vai vuông, có dấu nhát rìu, mất rãnh Delta ngực. Bề dày khớp vai lớn hơn so với bên lành.
Dấu ổ khớp rỗng: dùng tay ấn vào phía trước mỏm không thấy chỏm xương cánh tay.
Dấu lò xo: cánh tay dang ra, khi ép cánh tay vào và buông ra thì cánh tay bật ra.
Điều trị
Nắn khớp: theo phương pháp Hyppocrate, Kocher, Mothes.
Bất động: vai và khớp bằng băng thun hay bằng bó bột và giữ cánh tay sát thành ngực. Bất động liên tục 1 tuần với người già, 3 tuần với người trẻ để giúp bao khớp lành.
Tập vận động: gồng cơ trong thời gian bất động với chi bệnh và tập vận động với chi lành. Khi hết thời gian bất động người bệnh tập khớp vai như sau:
Tập xoay vòng vai: người bệnh đứng, tay lành vịn vào bàn và ở cách xa bàn để không cúi lưng, khớp vai bệnh để thõng cánh tay và xoay vòng tròn bán kính tăng dần.
Tập bò tường: đứng đối mặt với tường và dùng bàn tay bò lên tường. Tập lau lưng: dùng khăn tắm lau lưng.
Trật khớp khuỷu
Là trật khớp giữa đầu dưới xương cánh tay và đầu trên 2 xương cẳng tay.
Nguyên nhân
Ngã chống tay khuỷu duỗi hay gấp nhẹ.
Triệu chứng lâm sàng
Biến dạng: khuỷu gập nhẹ 400 – 450, không duỗi thẳng được, nhìn thấy dấu nhát rìu, sờ thấy đầu dưới xương cánh tay nằm ở phía trước khuỷu, các mốc xương mỏm trên lồi cầu, mỏm trên ròng rọc, mỏm khuỷu
tạo thành tam giác khuỷu đảo ngược.
Dấu lò xo: gập thụ động cánh tay vào khi buông ra cánh tay bật ra.
Dấu ổ khớp rỗng: sờ ấn hai bên cơ tam đầu không chạm đầu dưới xương cẳng tay.
Điều trị
Nắn khớp: nắn bằng tay và nắn bằng khung.
Bất động: bó bột cánh – cẳng – bàn tay trong 3 tuần.
Vận động: tập gồng cơ trong bột, sau bó bột tập duỗi khớp khuỷu.
QUY TRÌNH CHĂM SÓC NGƯỜI BỆNH TRẬT KHỚP
NHẬN ĐỊNH TÌNH TRẠNG NGƯỜI BỆNH
Hỏi người bệnh: cơ chế ngã, thời gian xảy ra trật khớp. Hỏi người bệnh về cách xử trí ban đầu.
Nhận định về tình trạng đau đớn của người bệnh. Tâm lý: đau đớn, lo sợ.
Nhìn: biến dạng khớp, suy giảm chức năng vận động, biểu hiện tình trạng đau. Sờ: có dấu hiệu lò xo, ổ khớp rỗng.
Khám phát hiện các tổn thương kèm theo.
CHẨN ĐOÁN VÀ CAN THIỆP ĐIỀU DƯỠNG
Người bệnh lo lắng do nắn khớp
Thực hiện công tác tư tưởng giúp người bệnh giảm lo lắng, hướng dẫn người bệnh cụ thể các thủ thuật nắn khớp để người bệnh hợp tác tốt, ở bên người bệnh trong thời gian phụ giúp bác sĩ thực hiện thủ thuật. Thực hiện thuốc giảm đau, an thần trong và sau khi nắn. Chuẩn bị và phụ giúp bác sĩ trong việc nắn khớp.
Theo dõi đau sau nắn và trấn an người bệnh, cho người bệnh nằm nghỉ ngơi.
Người bệnh bất động do sau nắn khớp
Giải thích để người bệnh bất động trong thời gian ngắn. Cho người bệnh bất động hoàn toàn vùng trật khớp. Gồng cơ nhẹ nhàng vùng bất động. Không xoa bóp hay xoa thuốc. Giải thích cho người bệnh phương pháp điều trị để người bệnh hợp tác.
Người bệnh lo lắng do chưa hiểu về tập vận động khớp
Tập gồng cơ trong bột, tập các khớp không bị bất động. Tránh xoa bóp các khớp vì dễ gây biến chứng viêm cơ cốt hóa.
Khớp vai: bó bột 1 – 3 tuần, sau đó tập vận động như xoay vòng vai, bò tường, lau lưng.
Khớp khuỷu: tập nhẹ nhàng sau 2 – 3 tuần bất động, sau đó tập duỗi khớp khuỷu.
Khớp háng: không bất động lâu, sau 6 tuần người bệnh mới được đi chống chân đau.
GIÁO DỤC NGƯỜI BỆNH
Giải thích cho người bệnh biết ổ khớp suy yếu chức năng sau chấn thương và có nguy cơ tái trật khớp. Giải thích cho người bệnh biết cần đến bệnh viện ngay khi có trật khớp. Tránh các động tác có thể gây trật khớp lại. Không làm nặng hay có tư thế gập tay quá hẹp cũng có nguy cơ trật khớp lại. Không xoa bóp các khớp với tất cả các loại thuốc.
LƯỢNG GIÁ
Người bệnh không tái trật khớp.
Người bệnh lấy lại vận động bình thường.
Kế hoạch chăm sóc bênh nhân tăng huyết áp
Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân thở oxy
Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân thay băng vết thương và cắt chỉ
Kế hoạch chăm sóc hậu môn nhân tạo tại nhà
Trả lời