Kỹ thuật tiêm gân trên gai dưới hướng dẫn của siêu âm
ĐẠI CƯƠNG
Viêm quanh khớp vai là một bệnh thuộc nhóm bệnh lý phần mềm (bao gồm dây chằng, gân cơ, bao thanh mạc…) rất thường gặp. Biểu hiện chính của bệnh là đau và giảm vận động khớp vai, gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Bệnh viêm quanh khớp gồm bệnh thể lâm sàng, trong đó thể đau vai đơn thuần hay gặp nhất và có tới 90%, tổn thương thường là viêm một trong các gân cơ quay ngắn, trong đó có viêm gân trên gai.
Điều trị viêm gân trên gai bao gồm: các thuốc chống viêm không sterioid, thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ và tiêm corticoid tại chỗ. Tiêm corticoid dưới hướng dẫn của siêu âm trong điều trị viêm gân trên gai là một phương pháp mới đang được áp dụng tại khoa cơ xương khớp với tỷ lệ thành công cao.
CHỈ ĐỊNH
Viêm gân trên gai.
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Nhiễm khuẩn ngoài da vùng tiêm khớp, nhiễm nấm.
Cơ địa suy giảm miễn dịch.
Lưu ý: thận trọng với bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh máu- cần theo dõi sau tiêm ít nhất 60 phút. Chỉ thực hiện thủ thuật khi các bệnh lý trên đã được kiểm soát tốt.
CHUẨN BỊ
Cán bộ chuyên khoa
01 Bác sỹ đã được đào tạo và cấp chứng chỉ chuyên ngành cơ xương khớp và chứng chỉ tiêm khớp; chứng chỉ siêu âm.
01 Điều dưỡng.
Phương tiện
01 máy siêu âm có đầu dò Linear 5-9MHz.
Túi bọc đầu dò siêu âm.
Găng vô khuẩn.
Kim tiêm, bơm tiêm 5 ml.
Bông, cồn iod sát trùng, panh, băng dính.
Chuẩn bị bệnh nhân
Người bệnh được giải thích trước khi làm thủ thuật.
Có chỉ định của bác sỹ chuyên khoa.
Hồ sơ bệnh án, đơn thuốc
Theo mẫu quy định.
CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH KỸ THUẬT TIÊM GÂN TRÊN GAI DƯỚI HƯỚNG DẪN CỦA SIÊU ÂM
Thực hiện tại phòng thủ thuật xương khớp vô khuẩn theo quy định.
Kiểm tra hồ sơ bệnh án hoặc đơn về chỉ định, chống chỉ định.
Chuẩn bị bệnh nhân: bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng, lưng về phía bác sỹ, lòng bàn tay úp vào mông.
Chuẩn bị dụng cụ: thuốc 0,5ml Depomedrol, bơm tiêm, kim tiêm, găng tay vô khuẩn.
Kiểm tra vị trí tiêm: điểm cách ½ dưới của bờ dưới mỏm cùng vai.
Sát trùng tay, đi găng vô khuẩn.
Bọc đầu dò bằng găng vô khuẩn.
Sát khuẩn bằng cồn iod tại vị trí tiêm.
Siêu âm xác định vị trí cần tiêm: đặt đầu dò ở lát cắt dọc qua gân cơ trên gai.
Tiến hành chọc kim qua da tiến sát tới bao gân cơ trên gai, hướng kim đi song song với đầu dò và vuông góc với chùm tia siêu âm và đồng thời với quan sát trên màn hình, tới vị trí gân cơ trên gai thì tiến hành tiêm thuốc.
Sát khuẩn, băng tại chỗ.
Dặn dò bệnh nhân sau làm thủ thuật: bệnh nhân không cho nước tiếp xúc với vị trí tiêm và hạn chế vận động khớp trong vòng 24h. Sau 24h mới bỏ băng dính và rửa nước bình thường vào chỗ tiêm.
THEO DÕI
Chỉ số theo dõi: mạch, huyết áp, tình trạng chảy máu tại chỗ, tình trạng viêm trong 24 h
Theo dõi các tai biến và tác dụng phụ có thể xảy ra (bên dưới) sau 24 h.
Theo dõi hiệu quả điều trị.
TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
Đau tăng sau khi tiêm 12-24 giờ: do phản ứng viêm màng hoạt dịch với thuốc depo-medrol, thường khi sau một ngày, không phải can thiệp, có thể bổ sung giảm đau paracetamol.
Nhiễm khuẩn khớp, phần mềm quanh khớp do thủ thuật tiêm (viêm mủ): biểu hiện bằng sốt, sưng đau tại chỗ, tràn dịch => điều trị kháng sinh.
Biến chứng hiếm gặp: tai biến do bệnh nhân quá sợ hãi- biểu hiện kích thích hệ phó giao cảm: bệnh nhân choáng váng, vã mồ hôi, ho khan, có cảm giác tức ngực khó thở, rối loạn cơ tròn…
Xử trí: đặt bệnh nhân nằm đầu thấp, giơ cao chân, theo dõi mạch, huyết áp để có các biện pháp xử trí cấp cứu khi cần thiết.
#BLUECARE_PARTER-ỨNG DỤNG NHẬN LỊCH #CHĂM_SÓC_BỆNH_NHÂN_tại_nhà dành cho #ĐIỀU_DƯỠNG_VIÊN
Các bài xem thêm:
Trả lời